Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính chỉ ra nhiều kẽ hở, tồn tại và hạn chế trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, việc chuyển nhượng dự án đầu tư cũng như việc chuyển nhượng bất động sản.
Rủi ro khi chuyển nhượng dự án đầu tư
Về huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, Bộ Tài chính cho biết, trước đây, theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư được ký hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà ở và bên tham gia góp vốn hoặc bên tham gia hợp tác đầu tư được phân chia sản phẩm là nhà ở trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.
Sau khi đã xây dựng xong phần móng của nhà ở theo quy định của Nghị định 71, chủ đầu tư được ký hợp đồng mua bán nhà ở, công trình hình thành trong tương lai để thay thế cho các hợp đồng góp vốn đã ký trước đó.
Có nhiều cách lách luật nên rất khó để cơ quan Nhà nước xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Ảnh: Hoàng Hà
Sau khi ký hợp đồng mua bán nhà ở, công trình hình thành trong tương lai, bên góp vốn mới được phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, trên thực tế các cơ quan nhà Nước vẫn chưa kiểm soát được việc các chủ đầu tư vẫn thực hiện ký hợp đồng (bằng nhiều hình thức) với cá nhân, chỉ tới khi cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng, nộp hồ sơ lên cơ quan thuế mới phát hiện ra vụ việc.
Ngoài ra, còn phát sinh trường hợp chủ đầu tư nhận nộp thay thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thu tiền thuế TNCN của người mua khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn nhưng không nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.
Về chuyển nhượng dự án đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, người nộp thuế là pháp nhân thực hiện việc chuyển quyền đầu tư, khai thác một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác theo hình thức chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng vốn góp chịu sự điều chỉnh của pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Trường hợp tổ chức chuyển nhượng là doanh nghiệp nhà nước còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật về quản lý tài sản công.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động này chịu nhiều rủi ro như việc tổ chức khai giá chuyển nhượng không đúng với giá thực tế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước; chuyển nhượng dự án khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật; bán tài sản không qua đấu giá gây thất thoát tài sản công của Nhà nước; sử dụng đất không đúng mục đích.
Cá nhân là thành viên góp vốn hoặc cổ đông sáng lập ban đầu được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, Nhà nước cho thuê đất (trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần) để thực hiện dự án đầu tư, sau một số lần chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần dẫn đến thay mới toàn bộ thành viên góp vốn cổ đông sáng lập ban đầu.
Thực tế doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư không thay đổi (mã số thuế doanh nghiệp không đổi) nhưng thành viên góp vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã thay đổi. Có thể nói thực chất là bán dự án bất động sản thông qua hình thức chuyển nhượng vốn của các thành viên góp vốn hoặc cổ đông sáng lập.
Bộ Tài chính cho hay, các hoạt động của người nộp thuế nêu trên có nhiều rủi ro về thuế gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và rủi ro vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
Khó xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng
Liên quan đến giá chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính chỉ ra việc người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng. Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa.
“Do đó, rất khó để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu.
Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư. Hoặc khi đã được cấp sổ, người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.
Liên quan đến phương thức mua bán bất động sản, dự án bất động sản, Bộ Tài chính cho biết, chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản.
“Chủ đầu tư đang lách quy định của Luật Nhà ở về giới hạn số lượng nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bằng cách ký hợp đồng thuê dài hạn và bên thuê có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu nhà ở; giao dịch thực tế mua bán bất động sản nhưng hợp thức hóa bằng cách mua cổ phần, sau đó chia tách doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.
Đối với việc ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế chuyển nhượng bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, số thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giai đoạn 2017-2022 đều tăng so với số thu của năm trước liền kề.
Cụ thể, năm 2017 thu 10.818 tỷ đồng. Năm 2018, thu 12.963 tỷ đồng, tăng 19,82%. Năm 2019, thu 14.447 tỷ đồng, tăng 11,44%. Năm 2020, thu 16.213 tỷ đồng, tăng 12,22%. Năm 2021, thu 21.142 tỷ đồng, tăng 30,4%. Cao nhất là năm 2022, thu 34.746 tỷ đồng, tăng 64,34% so với năm 2021. Riêng năm 2023, số thu thuế TNCN sụt giảm chỉ còn thu 18.618 tỷ đồng do thị trường khó khăn, giao dịch sụt giảm. |
Theo Vietnamnet